BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: PHỤ CẤP Y BÁC SĨ TRỰC LẠC HẬU

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho rằng phụ cấp trực 24 giờ của y bác sĩ rất thấp và không phù hợp trong khi thời gian học tập, đào tạo dài hơn ngành nghề khác.

“Chế độ tiền trực của nhân viên y tế rất thấp, được xây dựng từ nhiều năm trước, đến nay không còn phù hợp”, Bộ trưởng Lan nói tại Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc, ngày 3/12. Thời gian đào tạo y bác sĩ dài hơn các ngành nghề khác, chưa kể đào tạo chuyên sâu, thực hành sau đó, học tập liên tục, nhưng đãi ngộ tiền lương lại không nhiều.

Vấn đề phụ cấp, thu nhập y bác sĩ lạc hậu, đã được Bộ trưởng Y tế và nhiều chuyên gia từng phản ánh. Cụ thể, theo quy định, mức phụ cấp trực 24/24 là 115.000 đồng/người/phiên trực, hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng một, hạng đặc biệt. Phụ cấp ca mổ loại đặc biệt là 280.000 đồng, ca mổ loại một 125.000 đồng cho phẫu thuật viên chính.

Với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng, bác sĩ học xong 6 năm y khoa và sau 18 tháng thực hành (để được cấp chứng chỉ hành nghề), nếu được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương hệ số 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng. Phụ cấp ưu đãi nghề là 40%, như vậy thu nhập của bác sĩ 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).

Tiến sĩ Đoàn Thu Trà, Chủ tịch công đoàn Bệnh viện Bạch Mai, cũng cho rằng so với ngành nghề khác, mức lương ngành y như trên rất thấp. “Cả một đêm trực vất vả, bác sĩ chỉ nhận được 115.000 đồng, trong khi để được cấp chứng chỉ hành nghề, một bác sĩ mất 6 năm học và 18 tháng thực hành hoặc dài hơn”, bà Trà nói và thêm rằng các điều dưỡng còn khổ hơn. “Điều dưỡng phải thay bỉm, đổ bô, gội đầu… chăm sóc cho bệnh nhân hơn cả người nhà nhưng không có phụ cấp, có tiền hỗ trợ”, bà cho biết.

Bệnh viện Bạch Mai là tuyến cuối, tất cả các bệnh nhân nặng dồn về, lượng công việc nhiều, áp lực lớn. Đa số điều dưỡng chỉ trông chờ vào đồng lương nhà nước, tổng thu nhập chỉ 7-8 triệu đồng một tháng. Nhiều người phải đi làm thêm bên ngoài, bán hàng online để kiếm thêm đồng ra đồng nào, nuôi gia đình.

Nhân viên y tế làm việc tại Bệnh Nhiệt đới TP HCM, tháng 6/2022. Ảnh: Quỳnh Trần
Nhân viên y tế làm việc tại Bệnh Nhiệt đới TP HCM, tháng 6/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo Bộ trưởng Lan, phụ cấp chưa được tính đúng, đủ, thu nhập thấp là một trong những lý do căn bản dẫn đến làn sóng nhân viên y tế công bỏ việc. Báo cáo của Công đoàn Y tế Việt Nam, tính từ đầu năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022, hơn 9.300 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc. Trong đó, 8.620 viên chức y tế các Sở Y tế tỉnh, thành trực thuộc Trung ương; 777 viên chức y tế các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế.

Trong một nghiên cứu cuối năm 2021, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đánh giá tương tự về tiền lương nhân viên ngành y. Theo đó, tiền lương trung bình thực tế của nhân viên y tế công lập khoảng 7,36 triệu đồng. Gần 81% nhân viên y tế tham gia khảo sát cho biết “không đủ tiền sinh hoạt phí trong đại dịch Covid-19”.

Để giải quyết tình trạng này, bà Lan cũng đề nghị chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56, tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%. Thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế.

Sinh viên ra trường đi làm lương thấp, áp lực cao, dẫn đến ngành điều dưỡng khó thu hút học sinh. Nhìn ra được vấn đề này, Bộ Y tế đang phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, tìm cách có chính sách ưu đãi cho sinh viên ngành y như ngành sư phạm.

Góp ý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) hôm 24/10, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất quy định bảng lương theo bậc, ngạch riêng cho nhân viên y tế vì họ phải đào tạo trong thời gian dài, tiêu chuẩn cao. “Cần đảm bảo thu nhập cho y bác sĩ, thay đổi những chính sách quá lâu như chế độ trực, đảm bảo trang thiết bị, thuốc men, tạo môi trường thân thiện giúp các bác sĩ yên tâm làm việc”, tiến sĩ Thu Trà đề nghị.

Nguồn: vnexpress.net

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của SvyKute

Nếu thích bài viết này? Vui lòng chia sẻ nó lên các mạng xã hội của bạn.