BÉ TRAI VIÊM NÃO, LIỆT TOÀN THÂN DO NHIỄM ADENOVIRUS

PHÚ THỌ: Bé trai hai tuổi nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng huyết, nhiễm nấm tiết niệu, viêm não do adenovirus, suy hô hấp.

Người nhà cho biết bé sốt cao kéo dài, đi ngoài 9-10 lần một ngày, nôn 2-3 lần. Ngày 23/11, bé khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bác sĩ chẩn đoán bị tiêu chảy cấp, theo dõi tình trạng nhiễm trùng huyết. Kết quả chọc dịch não tủy, xét nghiệm theo dõi viêm não/màng não không có bất thường.

Vài ngày sau, bé có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Adeno, các cơn co giật xuất hiện với tần suất nhiều hơn và kéo dài trong khoảng 10 phút. Sau co giật, bé không tỉnh lại, giảm ý thức, bắt đầu yếu liệt chân tay. Bé phải thở máy, dùng thuốc an thần và kháng sinh liều cao, điều trị viêm não, màng não, chống phù não, tăng áp lực nội sọ.

Sau 10 ngày điều trị, sức khỏe bé ổn định hơn, giảm sốt. Tuy nhiên, di chứng của viêm màng não khiến bé bị liệt toàn thân, cần rất nhiều thời gian để cải thiện.

Hiện, bé điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ. Bác sĩ Dương Thị Hồng Ngọc, Khoa Hồi sức tích cực chống độc, cho biết trẻ vẫn thở máy, truyền albumin, truyền máu kết hợp sử dụng các thuốc kháng sinh.

Hình ảnh dưới kính hiển vi điện tử mô phỏng adenovirus. Ảnh:Native Antigen
Hình ảnh dưới kính hiển vi điện tử mô phỏng adenovirus. Ảnh: Native Antigen

Virus Adeno là virus bền vững, có khả năng đề kháng, chịu đựng với khí hậu hay các bề mặt nhiễm cao so với các loại virus khác như nCoV.

Theo bác sĩ Ngọc, trẻ nhiễm adenovirus ở mức độ nhẹ có các biểu hiện như sốt cao, ho ít hoặc kèm theo một số biểu hiện của đường hô hấp trên, có thể theo dõi và điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi trẻ sốt cao nhiều ngày không đáp ứng với thuốc hạ sốt; bị viêm kết mạc mắt, đau mắt hoặc có vấn đề về thị lực; bị nôn mửa, tiêu chảy hoặc có dấu hiệu mất nước như miệng khô, mệt mỏi, đi tiểu ít… gia đình cần sớm đưa đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời.

Bác sĩ khuyến cáo gia đình tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ bằng cách cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, tiêm vaccine đúng lịch. Thường xuyên dùng nước muối sinh lý rửa mũi cho trẻ nhỏ hoặc cho trẻ lớn súc miệng. Vệ sinh thân thể, rửa tay thường xuyên, cho trẻ mặc quần áo phù hợp với nhiệt độ môi trường, tránh bị nhiễm lạnh. Trẻ đeo khẩu trang khi ra ngoài, tránh tiếp xúc với trẻ bị ốm.

Nguồn: vnexpress.net

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của SvyKute

Nếu thích bài viết này? Vui lòng chia sẻ nó lên các mạng xã hội của bạn.