SINH VIÊN NGÀNH Y MONG MỎI ĐƯỢC HỖ TRỢ HỌC PHÍ, TĂNG LƯƠNG KHỞI ĐIỂM

Sinh viên ngành y có chi phí học tập cao, thời gian đào tạo kéo dài nhưng mức lương bác sĩ mới ra trường lại thấp. Nhiều sinh viên mong mỏi cơ quan quản lý có những chính sách hỗ trợ để giảm bớt gánh nặng, yên tâm học tập.

Học phí ngành y cao nhưng lương bác sĩ thấp. Ảnh: Hà Anh Chiến

Học phí cao nhưng lương thấp

Tuần qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã dẫn thực tế hiện nay, thời gian đào tạo y bác sĩ dài hơn các ngành khác, thời gian đào tạo chuyên sâu, học tập liên tục nhưng đãi ngộ về tiền lương lại không nhiều.

Ví dụ như việc thu hút sinh viên cho ngành điều dưỡng rất khó khăn, sinh viên học ra làm việc lương thấp, áp lực cao. Vì vậy, Bộ trưởng đề xuất cần có thêm chính sách ưu đãi cho sinh viên ngành y như ngành sư phạm.

Rất nhiều sinh viên ngành y đồng tình với đề xuất này của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Đau đầu vì học phí tăng, Trần Quang Long – sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, năm học 2022-2023, học phí của trường tăng 70% so với năm học 2021-2022. Cụ thể, trước đây, sinh viên chỉ phải đóng 7.500.000 đồng/kỳ nhưng hiện tại số tiền phải đóng là 12.250.000 đồng/kỳ đối với hệ bác sĩ 6 năm.

“Bình thường học phí mỗi năm chỉ tăng thêm 10%, nhưng năm nay học phí tăng vọt. Học phí tăng đồng nghĩa với việc gia đình sẽ tốn thêm một khoản để lo cho em học tập. Do lịch học, lịch trực, lịch thi dày đặc nên em không thể đi làm thêm để đỡ đần gia đình” – Quang Long lo lắng.

Còn Nguyễn Hồng Công đang theo học tại Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên cho biết, sinh viên y có muôn vàn áp lực. Đặc biệt những kỳ thi cận kề phải học hành thâu đêm suốt sáng, bận thi cử nhưng vẫn không được nghỉ trực.

“Bên cạnh áp lực học tập, thi cử thì học phí trường y rất cao và tăng theo từng năm. Chúng em còn phải lo những khoản khác như: Tiền mua sách vở, đồ dùng học tập, những dụng cụ và tài liệu phục vụ nghiên cứu” – Công nói.

Sinh viên này cho biết thêm, đã xác định học y sẽ tốn kém. Đặc biệt với những bạn có điều kiện khó khăn thì vất vả hơn bởi áp lực về kinh tế sẽ đè nặng lên vai người học và gia đình. Thế nhưng mức lương sau khi ra trường lại không như mong đợi. Nhiều bạn không “trụ” được đã phải bỏ học, hoặc ra trường làm trái ngành với mức lương cao hơn để trang trải cuộc sống.

Thời gian qua, sinh viên ngành y dược đã tích cực tham gia phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Bích Hà
Thời gian qua, sinh viên ngành y dược đã tích cực tham gia phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Bích Hà

Mong mỏi được hỗ trợ học phí, tăng lương khởi điểm

Bày tỏ mong mỏi của mình, Hoàng Long – sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, cần có những chính sách giảm gánh nặng cho người học bởi thời gian đào tạo y khoa rất dài – lên tới 6 năm và 18 tháng thực hành lấy chứng chỉ hành nghề. Điều đáng nói là mức lương đối với bác sĩ chưa xứng đáng với thời gian, công sức học tập mà họ bỏ ra.

“Thực tế nhiều bạn đã phải gác lại ước mơ thi trường y bởi học phí quá cao không có khả năng đóng góp, có những bạn đang ngồi trên ghế nhà trường phải bỏ ngang vì không thể chi trả học phí.

Em mong mỏi các cấp quản lý sẽ có những chính sách hỗ trợ giảm tiền học, thậm chí là miễn học phí như ngành sư phạm để chúng em bớt đi nỗi lo, yên tâm học tập” – Hoàng Long bày tỏ.

Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Thị Nhung – hiện đang công tác tại bệnh viện tuyến trung ương cho biết, đối với những bác sĩ mới ra trường đồng lương chỉ vỏn vẹn 3-4 triệu đồng/tháng nên sinh hoạt cá nhân bị hạn chế.

“Những bác sĩ trẻ mới ra trường gặp rất nhiều khó khăn. Với kinh tế eo hẹp nhưng vẫn phải tự bỏ tiền túi để học thêm những khóa bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn…

Tôi mong rằng ngành y sẽ được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ. Không những hỗ trợ về học phí cho sinh viên mà còn nâng hệ số lương và phụ cấp để các bác sĩ ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc và cống hiến” – bác sĩ Nhung nói.

Nguồn: laodong.vn

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của SvyKute

Nếu thích bài viết này? Vui lòng chia sẻ nó lên các mạng xã hội của bạn.