CHẢY MẤT 2/3 LƯỢNG MÁU VÌ BIẾN CHỨNG TRĨ

HÀ NỘI: Người phụ nữ 46 tuổi, bị trĩ 12 năm, không chịu mổ dẫn đến biến chứng phải cấp cứu ba lần, truyền hơn 3 lít máu tương đương 2/3 lượng máu cơ thể.

Ngày 17/2, Bệnh viện Bạch Mai thông tin bệnh nhân được nội soi tiêm xơ búi trĩ năm 2015, nội soi thắt trĩ năm 2019. Hai tháng nay, chị đi ngoài bị chảy máu thành tia và sa trĩ, phải dùng tay đẩy lên.

Một tháng trước khi vào viện, bệnh nhân đi ngoài ra máu kéo dài, mất máu nhiều, cấp cứu tại bệnh viện địa phương được truyền 5 đơn vị máu, tiêm thuốc cầm maú. Bác sĩ chỉ định mổ nhưng gia đình không đồng ý phẫu thuật. Về nhà bệnh nhân tiếp tục đi ngoài ra máu.

Hai tuần sau, do mất máu quá nhiều bệnh nhân cấp cứu lần ha, được truyền hai đơn vị máu, tiêm thuốc cầm máu không đỡ, người bệnh và gia đình vẫn không đồng ý MỔ, xin ra viện.

Bệnh nhân nhợt nhạt, hoa mắt chóng mặt, cấp cứu lần ba tại Bệnh viện Bạch Mai. Lúc này, da niêm mạc nhợt nhiều, hậu môn có trĩ vòng độ III, nặng, có điểm chảy máu thành tia, phải dùng tay đẩy lên. Bác sĩ truyền 4 đơn vị máu trước mổ và phẫu thuật kết hợp khâu treo trĩ. Sau mổ tiếp tục được truyền 2 đơn vị máu. Hậu phẫu, người bệnh ổn định, đi ngoài không còn chảy máu, được ra viện.

Bác sĩ Nguyễn Thế Hiệp, Khoa phẫu thuật Tiêu hóa – Gan mật tụy, cho biết chảy máu hậu môn khi đại tiện là triệu chứng thường gặp của các bệnh nhân trĩ, tuy nhiên mức độ chảy máu ít hay nhiều khác nhau ở từng bệnh nhân. Chảy máu nhiều mỗi lần đi ngoài kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sĩ khuyến cáo các bệnh nhân mắc bệnh trĩ, kèm đi ngoài ra máu cần đến bệnh viện để điều trị đúng phương pháp.

Những phương pháp như tiêm xơ, thắt búi trĩ hoặc kể cả phẫu thuật cắt trĩ nếu không đúng chỉ định, đúng giai đoạn bệnh sẽ dẫn đến tái phát, biến chứng, gây khó khăn cho việc khắc phục hậu quả, có thể ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng cuộc sống, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Như bệnh nhân trên đã không được điều trị đúng cách từ trước dẫn đến trĩ tái phát chảy máu, khi có biến chứng lại không tuân thủ chỉ định phẫu thuật nên mất máu nặng, phải mổ cấp cứu. Tổng cộng cả quá trình điều trị, bệnh nhân phải truyền tới 13 đơn vị (3,25 lít) máu – tương đương với việc mất 2/3 lượng máu có trong cơ thể. Hậu quả là ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh, chi phí và mức độ phức tạp trong điều trị tăng gấp nhiều lần so với việc xử trí đúng đắn từ đầu.

Nguồn: vnexpress.net

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của SvyKute

Nếu thích bài viết này? Vui lòng chia sẻ nó lên các mạng xã hội của bạn.