BỆNH VIỆN TRUNG QUỐC KÍN GIƯỜNG GIỮA SÓNG COVID-19

Các bệnh viện tại Trung Quốc chịu nhiều áp lực khi số người mắc Covid-19 tăng cao, quy mô đợt bùng phát lớn hơn.

Đầu tháng này, Trung Quốc dỡ bỏ phong tỏa và xét nghiệm Covid rộng rãi, từng bước mở cửa kinh tế. Theo một số chuyên gia y tế, việc gỡ bỏ hạn chế khiến virus có khả năng lây nhiễm cho nhiều người hơn, tạo áp lực lên hệ thống y tế.

Nhân viên y tế tại Bệnh viện Huaxi, một cơ sở y tế lớn phía tây nam Thành Đô (Tứ Xuyên), cho biết họ “cực kỳ bận rộn” với các bệnh nhân Covid-19. “Tôi đã làm công việc này được 30 năm, đây là thời gian bận rộn nhất tôi từng thấy”, anh nói.

Nhiều người xếp hàng bên trong và ngoài khoa cấp cứu tại một phòng khám vào tối 27/12. Hầu hết bệnh nhân trên xe cứu thương phải thở oxy. “Đa số đều mắc Covid-19”, một nhân viên y tế nói, thêm rằng bệnh viện không có dự trữ thuốc đặc trị Covid-19, chỉ có thể cung cấp thuốc điều trị các triệu chứng ho, sốt.

Các bãi đỗ xe xung quanh nhà tang lễ Dongjiao, một trong những bãi đỗ xe lớn nhất ở Thành Đô, đã chật cứng. Đám tang diễn ra liên tục, khói bốc lên từ nhà hỏa táng.

“Chúng tôi đang phải làm khoảng 200 lần một ngày. Chúng tôi quá bận, thậm chí không có thời gian ăn. Tình trạng này đã diễn ra kể từ khi mở cửa. Trước đó, chỉ khoảng 30-50 lần một ngày”, một nhân viên hỏa táng cho biết.

Nhân viên y tế mặc bộ bảo hộ, chăm sóc bệnh nhân tại phòng khám của Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc-Nhật Bản, ngày 27/12. Ảnh: China Daily
Nhân viên y tế mặc bộ bảo hộ, chăm sóc bệnh nhân tại phòng khám của Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc – Nhật Bản, ngày 27/12. Ảnh: China Daily

Zhang Yuhua, một quan chức tại Bệnh viện Triều Dương Bắc Kinh, cho biết hầu hết bệnh nhân là người già và mắc bệnh hiểm nghèo. Số người cần được chăm sóc khẩn cấp đã tăng lên 450-550 mỗi ngày, từ khoảng 100 người trước đó. Những nhân viên y tế ốm và nghỉ hưu tại nông thôn được thuê thêm để hỗ trợ nhóm y bác sĩ đang làm việc.

Đánh giá về tình hình dịch, ông Ngô Tôn Hữu, chuyên gia dịch tễ học, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh, cho rằng dịch bệnh bùng phát đỉnh điểm tại các thành phố như Bắc Kinh, Thiên Tân, Thành Đô. Ông cho biết người dân tăng di chuyển trong cao điểm du lịch Tết và các bệnh đường hô hấp khác đang lưu hành, khiến tình hình trở nên khó khăn hơn.

“Các địa phương đang theo dõi chặt và phân tích các đợt bùng phát, cố gắng giảm thiểu gián đoạn cuộc sống và sản xuất”, ông nói, hôm 30/12.

Để giảm bớt số người cao tuổi tại các bệnh viện, giới chức Trung Quốc đẩy mạnh tiêm chủng cho nhóm này. Tỷ lệ tiêm chủng chung hiện trên 90% nhưng tỷ lệ người lớn tiêm nhắc lại giảm còn 57,9% và đạt 42,3% ở người trên 80 tuổi, theo dữ liệu của chính phủ vào tuần trước. Nước này phê duyệt 9 loại vaccine Covid nội địa, nhưng không có vaccine nào được cập nhật để chống lại biến chủng Omicron.

Bên cạnh đó, theo Global Times, kể từ tháng 12, Trung Quốc đã lên kế hoạch tối ưu hóa dịch vụ y tế cho những nhóm người khác nhau, tăng cường điều trị các ca nhiễm nặng và nâng cấp các bệnh viện dã chiến.

Chính quyền địa phương được yêu cầu đăng ký nhân khẩu của các cư dân 65 tuổi trở lên, tình trạng sức khỏe và lịch sử tiêm chủng của họ. Tùy theo điều kiện và mức độ nghiêm trọng tiềm ẩn của bệnh, bệnh nhân ở độ tuổi này sẽ được phân thành ba nhóm khác nhau: nguy cơ cao, trung bình và thấp.

“Kế hoạch làm việc có thể hiệu quả nếu phân bổ nhiều nguồn lực y tế hơn cho các nhóm chính bao gồm người già, người dễ phát triển triệu chứng nghiêm trọng, đặc biệt trong mùa đông”, Wang Guangfa, chuyên gia về bệnh hô hấp từ Bệnh viện số 1 Đại học Bắc Kinh, cho biết.

Nhân viên y tế làm việc tại đơn vị hồi sức tích cực của Bệnh viện Triều Dương Bắc Kinh. Ảnh: China Daily
Nhân viên y tế làm việc tại đơn vị hồi sức tích cực của Bệnh viện Triều Dương Bắc Kinh. Ảnh: China Daily

Bà Tiêu Nhã Huân, Phó giám đốc Văn phòng quản lý y tế của Ủy ban Y tế Quốc Gia, cho biết hệ thống y tế chưa hoạt động hết công suất và không quá tải, dù một số thành phố thiếu nguồn cung y tế vào cao điểm dịch bệnh.

Bà cho biết “Chúng tôi đã dự báo nhu cầu tăng đột biến (sau khi thay đổi chính sách) và đẩy mạnh công tác chuẩn bị”. Ví dụ, các cơ sở y tế cộng đồng và y tế nông thôn được yêu cầu thành lập các phòng khám sốt; số cơ sở tiếp nhận bệnh nhân sốt tại bệnh viện hạng hai, hạng ba tăng lên khoảng 57.000.

Các nhà chức trách cũng tăng cường sản xuất và phân phối thuốc, người dân có thể mua thuốc trực tuyến hoặc tại các cửa hàng. Số giường chăm sóc tích cực lên tới 181.000 trên toàn quốc và thêm nhiều thiết bị y tế khẩn cấp được bổ sung, từ khẩu trang chuyên dụng đến thiết bị oxy lưu lượng cao.

Để giảm bớt áp lực ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng, bà Tiêu cho biết đã thiết lập cơ chế hỗ trợ liên khu vực nhằm huy động các nguồn lực chăm sóc y tế quan trọng.

Nguồn: vnexpress.net

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của SvyKute

Nếu thích bài viết này? Vui lòng chia sẻ nó lên các mạng xã hội của bạn.