“VIỆT NAM KHÓ BÙNG DỊCH COVID-19 KHI TRUNG QUỐC MỞ CỬA”

Các chuyên gia đánh giá Trung Quốc mở cửa biên giới có thể nhiều ca nhiễm nhập cảnh vào nước ta, song Việt Nam khó bùng dịch trở lại do tỷ lệ tiêm vaccine cao, nhiều người từng nhiễm, nên đã có miễn dịch.

Theo ông Trần Đắc Phu (Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam), Trung Quốc mở cửa biên giới và bỏ cách ly kiểm dịch kể từ ngày 8/1/2023 không ảnh hưởng đến việc chống dịch của nước ta, dù khả năng sẽ có nhiều ca nhiễm nhập cảnh.

Đến nay Việt Nam đã tiêm gần 265,5 triệu liều vaccine Covid-19, phủ mũi ba gần 80% đối với người trên 18 tuổi. Sở Y tế TP HCM khảo sát miễn dịch cộng đồng, kết quả công bố cuối tháng 11 cho thấy hơn 98% người thành phố có kháng thể ngừa Covid. Bộ Y tế cũng đang khảo sát tình hình miễn dịch cộng đồng trên cả nước, kết quả chưa được công bố nhưng tỷ lệ miễn dịch với nCoV cao nên nguy cơ lây nhiễm thấp.

“Việt Nam khó có nguy cơ bùng phát dịch do đã có miễn dịch”, ông Phu nói, thêm rằng không nên vì Trung Quốc mở cửa mà Việt Nam áp dụng biện pháp cấm hay xét nghiệm người nhập cảnh từ nước này.

Đồng quan điểm, PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dự đoán trên 90% người dân cả nước đã có miễn dịch do tiêm vaccine hoặc từng mắc Covid-19. Việt Nam cũng đã bãi bỏ việc xét nghiệm ở cửa khẩu từ rất lâu và hiện kiểm soát dịch vẫn tốt.

Dù vậy, các chuyên gia nhìn nhận Việt Nam cần tiếp tục giám sát tình hình để đánh giá nguy cơ, đặc biệt là giám sát các biến chủng nCoV mới bằng cách phối hợp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các nước trong khu vực như Trung Quốc, để kịp thời ứng phó. WHO mới đây cảnh báo hơn 500 biến chủng phụ Omicron, lây truyền cao, tránh được hệ miễn dịch. Vì vậy, tiêm vaccine vẫn là biện pháp quan trọng.

Mặt khác, theo ông Nga, Việt Nam sắp đón Tết nguyên đán, nhu cầu di chuyển nhiều nên vẫn cần cảnh giác. Nên có ý thức bảo vệ sức khỏe như đeo khẩu trang khi ra ngoài, không chỉ phòng Covid mà còn ngừa nhiều bệnh hô hấp khác khi mùa đông đến. Đặc biệt, người già, người miễn dịch yếu, bệnh nền cần hạn chế đi lại.

Ở góc nhìn khác, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Đại học Y Dược TP HCM đề nghị cần hài hòa giữa công tác ngoại giao và kiểm dịch để phát triển kinh tế – xã hội. “Những biện pháp đặc thù như cấm hay xét nghiệm người nhập cảnh hiện giờ không còn phù hợp”, ông Dũng nói, thêm rằng nếu cứng nhắc thực hiện còn có thể dẫn đến tình trạng nhập cảnh trái phép.

Một người phụ nữ được xét nghiệm Covid-19 tại Thượng Hải, Trung Quốc ngày 7/12. Ảnh: Reuters
Một người phụ nữ được xét nghiệm Covid-19 tại Thượng Hải, Trung Quốc ngày 7/12. Ảnh: Reuters

Ý kiến của các chuyên gia dịch tễ Việt Nam tương đồng với phản ứng một số nước trong khu vực. Các chuyên gia bệnh truyền nhiễm Singapore cho rằng không cần thiết áp đặt yêu cầu nhập cảnh chặt chẽ đối với khách du lịch từ Trung Quốc, dù số ca nhiễm nCoV tại nước này đang gia tăng. “Tỷ lệ ca mắc mới của Trung Quốc dường như không cao hơn các nước ôn đới khác như Đức, Pháp, Mỹ vào thời điểm này. Có rất ít bằng chứng cho thấy hạn chế đi lại là hiệu quả”, tiến sĩ Paul Tambyah, chủ tịch Hiệp hội Vi sinh lâm sàng và Nhiễm trùng châu Á – Thái Bình Dương, cho biết.

Tiến sĩ Leong Hoe Nam, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena và PGS Hsu Li Yang, Phó trưởng khoa Y tế Toàn cầu tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho rằng các hạn chế đi lại là không cần thiết vì tỷ lệ tiêm chủng ở Singapore cao, sống chung với Covid-19 nghĩa là chấp nhận virus “như nó vốn có” và học cách thích nghi.

Hiện, Nhật Bản yêu cầu khách từ Trung Quốc xét nghiệm Covid-19, sau khi Bắc Kinh nới lỏng chính sách chống dịch. Còn Mỹ sẽ yêu cầu người từ Trung Quốc trình kết quả xét nghiệm âm tính hoặc bằng chứng đã khỏi Covid-19 khi nhập cảnh từ ngày 5/1/2023. Động thái này được đưa ra sau khi SCMP dẫn ba nguồn tin từ cơ quan y tế cấp tỉnh và bệnh viện ở Quảng Đông, Phúc Kiến và Giang Tô, cho biết họ đã được Ủy ban Y tế Quốc gia thông báo chuẩn bị hạ cấp quản lý dịch bệnh xuống loại B kể từ ngày 8/1. Có nghĩa là đất nước chỉ cần “điều trị ở mức cần thiết và thực hiện các biện pháp hạn chế sự lây lan” đối với Covid-19.

Bộ Y tế hiện chưa có ý kiến đánh giá tình hình dịch sau khi Trung Quốc tuyên bố sắp mở cửa trở lại. Tuy nhiên, hồi tuần trước, tại phiên họp thứ 19 Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng thời gian tới sẽ tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng Covid-19 do biến chủng mới. Dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số ca nhiễm.

Tháng 8, Bộ Y tế đề xuất Thủ tướng chưa công bố hết dịch, chưa xem Covid-19 là bệnh lưu hành tại Việt Nam. Bộ cũng cho rằng hiện Việt Nam cơ bản đáp ứng những điều kiện cần thiết để chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững, nhưng vẫn cần cảnh giác với các biến chủng mới của virus.

Trong khi đó, WHO đưa ra kế hoạch kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch Covid-19 với điều kiện cơ bản là tỷ lệ bao phủ vaccine đạt trên 70% dân số trên phạm vi toàn cầu; kiểm soát được số ca mắc mới và tử vong do Covid-19. WHO cũng khuyến khích các quốc gia chuyển tiếp biện pháp phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.

Nguồn: vnexpress.net

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của SvyKute

Nếu thích bài viết này? Vui lòng chia sẻ nó lên các mạng xã hội của bạn.