TỶ SỐ AST/ALT CÓ Ý NGHĨA GÌ?

Tỷ số AST/ALT đặc biệt quan trọng đối với cơ thể con người. Thông qua tỷ số này giúp kiểm tra mức độ hoạt động của chức năng gan. Vậy ý nghĩa lâm sàng của tỷ số AST/ALT, chỉ số de ritis cụ thể như thế nào?

Tóm tắt

1. Enzyme ALT (alanine transaminase) được thấy chủ yếu ở gan trong khi AST (aspartate transaminase) được thấy cả ở gan và ở các cơ quan khác như cơ, tim, thận, não, hồng cầu,… Trong tế bào nhu mô gan, ALT chỉ có trong bào tương (dịch bào) trong khi AST có cả ở trong bào tương (20%) và cả trong các ty thể (80%).

2. Sử dụng: tỷ số AST/ALT được sử dụng để phân biệt các nguyên nhân khác nhau của tổn thương gan, để phân biệt tổn thương gan với tổn thương cơ hoặc tim, và để dự đoán tiến trình của các bệnh này.

3. Chỉ định: tỷ số AST/ALT được chỉ định khi một người có các dấu hiệu và triệu chứng của tổn thương gan, cơ hoặc tim để phân biệt các nguyên nhân khác nhau của tổn thương gan, để phân biệt tổn thương gan với tổn thương cơ hoặc tim, và để dự đoán tiến trình của các bệnh này.

4.  Giá trị tham chiếu: ở người khỏe mạnh, tỷ lệ AST/ALT là khoảng 0,8 đến 1,0, từ 1,5 đến 2,0 ở trẻ em và lớn hơn 2,0 ở trẻ sơ sinh.

5. Ý nghĩa lâm sàng của tỷ số AST/ALT:

– Tỷ số AST/ALT tăng > 1,0 có thể được thấy trong: bệnh gan do rượu, xơ gan, bệnh Wilson, ứ mật, viêm gan tự miễn, bệnh tắc mạch ngoại biên, đột quỵ do thiếu máu cấp, tổn thương cơ.

– Tỷ số AST/ALT tăng < 1,0 có thể được thấy trong: viêm gan virus, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD), viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH), nhiễm độc acetaminophen.

Clinical significance of AST/ALT ratio (de Ritis ratio)

                                                                                        Luat Nghiem Nguyen

                                                                                 MEDLATEC General Hospital

Tỷ số hoạt độ các enzyme AST/ ALT (AAR hay De Ritis ratio) trong huyết thanh lần đầu tiên được mô tả bởi Fernando De Ritis vào năm 1957. Tuy nhiên, cho đến nay, tỷ số này vẫn tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trên thực tế lâm sàng. Các enzyme AST và ALT bình thường được giải phóng vào máu với một tỷ lệ hằng định ở những người khỏe mạnh, điều này thể hiện sự cân bằng giữa sự quay vòng bình thường của tế bào gan do sự chết theo chương trình (apoptosis) của tế bào và sự đào thải các enzyme này khỏi huyết tương. 

1. Sinh học của AST và ALT

Enzyme ALT (alanine transaminase) được thấy chủ yếu ở gan trong khi AST (aspartate transaminase) chẳng những được thấy ở gan mà còn được thấy ở các cơ quan khác như cơ, tim, thận, não, hồng cầu, … Về sự khu trú của AST và ALT trong tế bào gan, trong khi ALT chỉ có trong phần bào tương (cytoplasm), còn gọi là dịch bào (cytosol) của tế bào gan thì AST có cả ở trong bào tương (20%) và ở trong các ty thể (80%) của tế bào gan. Cả hai enzyme này đều có vai trò quan trọng trong việc gắn kết giữa chuyển hóa carbohydrate và acid amine ở các tế bào, đặc biệt là ở gan và cơ.

Biểu đồ thể hiện mức độ tăng men gan
Biểu đồ thể hiện mức độ tăng men gan

ALT có thời gian bán hủy trong huyết tương (half-life), còn được ký hiệu là T1/2, là 47 giờ, còn AST dịch bào (cytosolic AST, cAST) có thời gian bán hủy là 17 giờ và AST ty thể (mitochondrial AST; mAST) có thời gian bán hủy là 87 giờ. Sự khác nhau về thời gian bán hủy của ALT và các isoenzyme của AST dẫn đến sự thay đổi tỷ số AST/ALT trong tiến trình diễn biến của bệnh, điều này có thể giúp người thầy thuốc tiên lượng bệnh.

Sự giải phóng các enzyme AST và ALT từ tế bào gan vào huyết thanh: trong trường hợp tổn thương màng tế bào, AST và ALT trong bào tương của tế bào gan được giải phóng vào huyết thanh làm hoạt độ hai enzym này tăng lên trong huyết tương. Khi có sự hoại tử tế bào, ty thể bị tổn thương, ngoài lượng AST bào tương (cAST), một lượng lớn hơn AST ty thể (mAST) được giải phóng vào huyết tương, điều này làm nồng độ AST tăng chiếm ưu thế, dẫn đến tỷ số AST/ALT>1,0.

Một điều cần chú ý nữa là do hàm lượng các enzyme AST và ALT khác nhau ở các mô gan, cơ, tim, …, nên trong một số bệnh lý khác nhau, sự tăng chiếm ưu thế của một trong hai enzyme này trong huyết tương sẽ khác nhau. AST tăng chiếm ưu thế trong bệnh gan do rượu, xơ gan, bệnh gan ứ đồng (Wilson), tổn thương cơ, tập luyện quá sức, tan máu, …, điều này làm tỷ số AST/ALT tăng. Trong khi đó, ALT tăng chiếm ưu thế trong viêm gan do virus cấp, mạn, viêm gan nhiễm mỡ, gan ứ sắt (hemochromatosis), ngộ độc thuốc, …, điều này làm tỷ số AST/ALT giảm <1,0.

Đọc thêm:

2. Sử dụng

Tỷ số AST/ALT, chỉ số de ritis được sử dụng để phân biệt các nguyên nhân khác nhau của tổn thương gan, tổn thương gan với tổn thương cơ hoặc tim, và để dự đoán tiến trình của các bệnh này.

Cách phân biệt các nguyên nhân khác nhau của tổn thương gan
Cách phân biệt các nguyên nhân khác nhau của tổn thương gan

3. Chỉ định

Tỷ số AST/ALT được chỉ định khi một người có các dấu hiệu và triệu chứng của tổn thương gan, cơ hoặc tim để phân biệt các nguyên nhân khác nhau của tổn thương gan, viêm gan để phân biệt tổn thương gan với tổn thương cơ hoặc tim, và để dự đoán tiến trình của các bệnh này.

4. Giá trị bình thường của tỷ số AST/ALT

Bình thường, tỷ số AST/ALT là khoảng 0,8 đến 1,0, ở trẻ em là 1,5 đến <2,0 và ở trẻ sơ sinh là ≥2,0.

Xét nghiệm máu giúp kiểm tra tỷ số AST/ALT kiểm tra tình trạng gan
Xét nghiệm máu giúp kiểm tra tỷ số AST/ALT kiểm tra tình trạng gan

5. Ý nghĩa lâm sàng của tỷ số AST/ALT

Sự tăng hay giảm của tỷ số AST/ALT trong bệnh lý phụ thuộc vào sự tăng hay giảm của AST và ALT, nghĩa là phụ thuộc vào tỷ lệ AST và ALT trong mô bị bệnh, mức độ tổn thương màng tế bào hay hoại tử tế bào và giai đoạn bệnh.

Trong quá trình diễn biến của bệnh, mức độ tỷ số AST/ALT có thể thay đổi, điều này có thể giúp người thầy thuốc đánh giá diễn biến và tiên lượng bệnh.

Một số bệnh có sự thay đổi về hoạt độ AST và ALT huyết tương và tỷ số AST/ALT được nghiên cứu nhiều và ứng dụng trong thực tế lâm sàng cho đến nay gồm:

5.1. Các bệnh có tỷ số AST/ALT >1,0

5.1.1. Bệnh gan do rượu (alcoholic liver disease; ALD):

Ở bệnh gan do rượu nói chung, hoạt độ AST và ALT thường tăng và tỷ số AST/ALT thường >1,0.  Trong một nghiên cứu trên bệnh nhân bị bệnh gan do rượu ở các mức độ khác nhau, gồm người đã cai rượu, người đang nghiện rượu và người bị xơ gan do rượu, Nyblom H và cộng sự, 2004 [6] thấy rằng, ở bệnh nhân bệnh gan do rượu, AST và ALT đều tăng, nhưng AST tăng chiếm ưu thế hơn, dẫn đến tỷ số AST/ALT >1,0, kết quả được chỉ ra ở Bảng 1.

Bảng 1. Hoạt độ AST, ALT và tỷ số AST/ALT ở bệnh nhân cai rượu, nghiện rượu và xơ gan do rượu (Nyblom H, 2004 [6]).

Thông sốĐã cai rượu (n=313)Nghiện rượu (n=78)Xơ gan do rượu (n=48)P
AST (U/L)72 ± 84240 ±834204±360<0,001
ALT (U/L)72±102102±150108±174>0,05
Tỷ số AST/ALT1,0 ± 0,61,7 ± 1,02,6 ± 1,9<0,0001

Trong nhiều nghiên cứu khác, người ta thấy rằng, ở người nghiện rượu, tỷ số AST/ALT là từ 1,5 đến <2, còn ở người xơ gan do rượu, tỷ số này ≥2,0.

5.1.2. Xơ gan (cirrhosis):

bệnh nhân xơ gan do nhiều nguyên nhân khác nhau, hoạt độ AST và ALT thường tăng và tỷ số AST/ALT thường >1,0. Tỷ số AST/ALT ở bệnh nhân xơ gan không do rượu (non-alcoholic cirrhosis) thường >2,0. Tỷ số AST/ALT ở bệnh nhân xơ gan không do rượu, do rượu và thời gian xơ gan do rượu, được  Rekha M và cộng sự, 2011 [9] chỉ ra ở Bảng 2.

     Bảng 2. So sánh tỷ số AST/ALT ở các bệnh nhân xơ gan không do rượu và xơ gan do rượu (Rekha M, 2011 [9]).

BệnhTỷ số AST/ALT
Xơ gan không do rượu2,6 ± 1,9
Xơ gan do rượu2,5 ± 2,0
Xơ gan do rượu (<10 năm)2,2 ± 1,2
Xơ gan do rượu (>10 năm)2,9 ± 2,7

Như vậy, ở bệnh nhân xơ gan nói chung và xơ gan do rượu, tỷ số AST/ALT đều >2,0, xơ gan do rượu cang lâu, tỷ số này càng cao, nhưng nói chung ít khi vượt quá 3,0.

5.1.3. Bệnh Wilson (Wilson’s disease):

Bệnh Wilson là bệnh ứ đồng (Cu) trong gan do giảm hoạt độ protein enzynme chuyển hóa đồng ceruloplasmin, điều này dẫn đến tổn thương gan, làm cho hoạt độ AST tăng chiếm ưu thế so với ALT, làm tăng tỷ số AST/ALT >2,0 và cũng làm tăng nồng độ Cu trong máu (Bảng 3).

Bảng 3. Hoạt độ AST, ALT, tỷ số AST/ALT và mức độ đồng (Cu) huyết thanh ở bệnh nhân bị bệnh Wilson (Korman JD, 2008 [5]).

Thông sốBệnh Wilson (n=16)Bệnh khác (n=124)
AST (U/L)185,0 (69,0-4481,0)1337,0 (76,0-28870,0)
ALT (U/L)24,5 (7,0-1463,0)1830,0 (57,0-1767,0)
Tỷ số AST/ALT7,5 (2,1-18,3)1,0 (0,1-5,7)
Cu (µg/dL)272,0 (105,2-1063,0)91,5 (32,2-317,8)

5.1.4. Bệnh ứ mật (cholestasis)

Bệnh ứ mật thường làm tổn thương các tế bào nhu mô gan, làm tăng hoạt độ AST và ALT trong huyết tương, trong đó AST tăng ưu thế hơn ALT, dẫn đến tỷ số AST/ALT>1,0 (Bảng 4).

     Bảng 4. Hoạt độ AST, ALT trung bình và tỷ số AST/ALT ở các bệnh nhân ứ mật (Parmar KS, 2016 [7]).

Thông sốĐối chứng (n=32)Ứ mật (n=10)P
AST (U/L)28,96 ± 7,1234,40 ± 12,140,0001
ALT (U/L)27,31 ± 9,0931,20 ± 13,030,011
Tỷ số AST/ALT 1,09 ± 0,161,14 ± 0,180,0001

5.1.5. Bệnh viêm gan tự miễn (autoimmune hepatitis)

Trong bệnh viêm gan tự miễn, các tế bào nhu mô gan bị tổn thương, làm tăng hoạt độ AST nhiều hơn ALT, dẫn đến tỷ số AST/ALT>1,0 (Bảng 5).

Bảng 5. Hoạt độ AST, ALT trung bình và tỷ số AST/ALT ở các bệnh nhân viêm gan tự miễn type 1 (Ferrari R, 2004 [2])

Thông sốViêm gan tự miễn cấp (n=22)Viêm gan tự miễn mạn (n=59)Viêm gan tự miễn không triệu chứng (n=22)P
AST (×UNV)29,11 ± 16,089,09 ± 11,462,80 ± 2,77<0,001
ALT (×UNV)25,33 ± 13,419,36 ± 9,812,99 ± 1,20<0,001
Tỷ số AST/ALT1,200,970,94 

5.1.6. Bệnh tắc động mạch ngoại biên (peripheral arterial occlusive disease):

Bệnh tắc động mạch ngoại biên làm các mô ngoại biên không được cung cấp chất dinh dưỡng và oxy một các đầy đủ, điều này có thể dẫn đến hoại tử tế bào, đặc biệt là các tế bào cơ, AST tăng chiếm ưu thế so với ALT, làm cho tỷ số AST/ALT >1,0. Theo Rief P và cộng sự, 2016 [10], ở bệnh nhân bị thiếu máu cục bộ chi nặng (critical limb ischemia), tỷ số AST/ALT được phân bố theo mức độ như sau: 0,8-1,0 (20,7%), 1,2-1,4 (27,2%) và 1,6-2,1 (35,5). Với giá trị cắt của tỷ số AST/ALT là 1,67, các tác giả thu được kết quả về sự phân bố tỷ lệ bệnh nhân ở các mức độ nặng của thiếu máu cục bộ chi như được chỉ ra ở bảng 6.

Bảng 6. Số bệnh nhân thiếu máu cục bộ chi nặng (%) ở các mức độ tỷ số AST/ALT<1,67 và >1,67 (Rief P và cộng sự, 2016 [10])

Thông sốTổng số bệnh nhân (n=1782)P
Tỷ số AST/ALT<1,67 (n=1385)>1,67  (n=397)
Thiếu máu cục bộ chi nặng, n (%)329 (23,8)166 (41,0)<0.001

Như vậy, ở bệnh nhân tắc động mạch ngoại biên, dẫn đến thiếu máu cục bộ chi, tỷ số AST/ALT thường >1,0.

5.1.7. Bệnh đột quỵ do thiếu máu cục bộ cấp (acute ischemic stroke)

Ở bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu cục bộ cấp, hoạt độ AST và ALT đều tăng, tỷ số AST/ALT thường >1,0 và tăng theo giai đoạn bệnh (Bảng 7).

Bảng 7. Hoạt độ AST, ALT trung bình và tỷ số AST/ALT ở các bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu cấp tiên lượng tốt và tiên lượng kém (Gao F, 2017 [3]).

Thông sốmRS 0-2mRS 3-6P
AST (U/L)20,118,10,002
ALT (U/L)18,715,7<0,001
Tỷ số AST/ALT1,061,160,005

          Ghi chú: mRS: modified Rankin Scare = thang điểm Rankin cải tiến để đánh giá tiên lượng đột quỵ.

Như vậy, ở bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu cục bộ cấp, tỷ số AST/ALT thường >1,0, nếu tỷ số này tăng, tiên lượng bệnh sẽ kém hơn.

5.1.8. Bệnh tổn thương cơ (muscular damage):

Do cơ có tỷ lệ và tổng lượng AST cao hơn ALT rất nhiều nên trong một số bệnh gây tổn thương cơ như thể dục quá mức, viêm đa cơ hoặc co giật trong động kinh, các enzyme AST và ALT được giải phóng từ cơ vào máu, hoạt độ AST huyết tương tăng chiếm ưu thế so với ALT, tỷ số AST/ALT sẽ >1,0. Trong một nghiên cứu trên hoạt độ AST và ALT huyết tương ở 14 nam vận động viên chạy Marathon với các chặng 25, 50, 75 và 100 km, Jastrzebski Z và cộng sự, 2015 [4] thấy rằng, AST huyết tương tăng dần tăng trong khi ALT tăng chậm hơn, điều này làm cho tỷ số AST/ALT tăng dần và sau 24 giờ nghỉ ngơi, mặc dù AST và ALT chưa giảm, nhưng tỷ số AST/ALT có xu hướng giảm (Bảng 8).

Bảng 8. Hoạt độ trung bình của AST, ALT, tỷ số AST/ALT ở vận động viên chạy Marathon (Jastrzebski Z, 2015 [4])

Thông sốNghỉ ngơiQuãng đường chạyHồi phục sau 24 giờ
 25 km50 km75 km100 km
AST (U/L)31,0739,5245,0061,06117,53185,43
ALT (U/L)24,0724,7224,5126,8335,561,37
Tỷ số AST/ALT1,361,661,902,303,172,85

Đọc thêm:

5.2. Các bệnh có tỷ số AST/ALT <1,0:

Các bệnh viêm gan do virus, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD), viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH) và nhiễm độc gan do acetaminophen (acetaminophen poisoning) thường có ALT tăng chiếm ưu thế so với AST nên tỷ số AST/ALT thường <1,0.

5.2.1. Viêm gan virus (viral hepatitis):

Trong viêm gan virus cấp (viêm gan B và C), tỷ số AST/ALT thường < 1,0 và điển hình là từ 0,5 đến 0,7. Nếu viên gan cấp không thuyên giảm, tỷ lệ AST/ALT sẽ tăng dần, từ 1,5 đến 2,0 trong tiên lượng kém (worsening) và >2,0 trong viêm gan tối cấp (fulminant hepatitis).

Trong viêm gan B mạn, người ta thấy rằng khi chưa xơ gan, tỷ số AST/ALT thường <1,0, nhưng có thể tăng nhẹ >1,0 khi có sự tiến triển thành xơ hóa gan tiến triển (advanced fibrosis) hoặc xơ gan (cirrhosis).

Trong viêm gan C mạn, tỷ số AST/ALT trung bình của các bệnh nhân xơ gan (n=470 là cao hơn của các bệnh nhân không xơ gan (n=92), 1,06 ± 0,06 so với 0,60 ± 0,09 một cách rất rõ rệt (P<0,001), với độ nhạy là 53,2%, độ đặc hiệu và giá trị dự đoán (+) tính là 100% và giá trị dự đoán dương tính là 80,7%.

Bảng 9. Tỷ số AST/ALT, độ nhạy, độ đặc hiệu, giá trị dự đoán (+) tính và giá trị dự đoán (-) tính ở các bệnh nhân viêm gan C mạn xơ gan và không xơ gan (Sheth SG, 1998 [11]).

Viêm gan C mạnTỷ số AST/ALTĐộ nhạy (%)Độ đặc hiệu (%)PPV (%)NPV (%)P
Không xơ gan (n=47)0,60 ± 0,09     
Có xơ gan (n=92)1,06 ± 0,0653,210010080,7<0,001

Như vậy, trong viêm gan virus C mạn, tỷ số AST/ALT thường <1,0, nhưng có thể tăng nhẹ >1,0 khi có sự tiến triển thành xơ hóa gan hoặc xơ gan.

5.2.2. Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (non-alcohol fatty liver disease: NAFLD):

Trong bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD), hoạt độ AST và ALT có xu hướng tăng nhẹ so với đối chứng khỏe mạnh, tỷ số AST/ALT cũng <1,0, trong khi ở bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (AFLD), hoạt độ AST và ALT tăng cao hơn và tỷ số AST/ALT >1,0 (Bảng 10).

                Bảng 10. Hoạt độ AST, ALT và tỷ số AST/ALT ở các bệnh nhân gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) và gan nhiễm mỡ do rượu (AFLD) (Ramesh KD, 2016 [8]).

Thông sốĐối chứng (n=30)Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (n=30)Bệnh gan nhiễm mỡ do rượu (n=30)P
AST (U/L)24,7 ± 7,8928,27 ± 10,3676,13 ± 37,94<0,0001
ALT (U/L)28,57 ± 8,9932,3 ± 10,8765,7 ± 32,50<0,0001
Tỷ số AST/ALT0,869 ± 0,100,867 ± 0,101,220 ± 0,30<0,0001

5.2.3. Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (non-alcoholic steatohepatitis: NASH):

Trong một nghiên cứu trên 70 bệnh nhân bị viêm gan nhiễm mỡ không do rượu, Sorbi D, 1999 [12] thấy rằng các bệnh nhân bị viêm gan nhiễm mỡ không do rượu có hoạt độ AST trung bình là 66 U/L, ALT là 91 U/L và tỷ lệ AST/ALT là 0,9 (0,3-2,8). Tỷ lê AST/ALT tăng vượt qua 1,0 phụ thuộc vào mức độ xơ gan kèm theo (Bảng 11).

Bảng 11. Tỷ số AST/ALT ở các mức độ xơ hóa gan ở bệnh nhân viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH) (Sorbi D, 1999 [12]).

Thông sốViêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH) (n=70)
Không xơ hóa ganXơ hóa gan nhẹXơ gan
Tỷ số AST/ALT0,70,91,4

5.2.4. Nhiễm độc acetaminophen (acetaminophen poisoning):

Nghiên cứu trên 190 bệnh nhân nhiễm độc thuốc giảm đau acetaminophen (paracetamol) gồm 142 bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời và 48 bệnh nhân đến muộn, Algin A và cộng sự, 2017 [1] cho thấy, hoạt độ AST, ALT và tỷ số AST/ALT thay đổi theo thời gian nhiễm độc acetaminophen  (Bảng 12).

Bảng 12. Hoạt độ AST, ALT trung bình và tỷ số AST/ALT ở các bệnh nhân nhiễm độc acetaminophen vào viện kịp thời và bệnh nhân đến muộn (Algin A, 2017 [1])

Thông sốBệnh nhân nhiễm độc acetaminophenP
Đến viện kịp thời (n=142)Đến viện muộn (n=48)
AST (U/L)24,6 ± 22,2101,7±125,00,00011
ALT (U/L)22,6 ± 27,6117,5 ± 146,00,00012
Tỷ số AST/ALT1,090,86 

Ở đây, trong giai đoạn sớm của nhiễm độc acetaminophen, hoạt độ AST và ALT chưa tăng, tỷ số AST/ALT chưa thay đổi, sau đó, do tổn thương gan lan tỏa, ALT tăng nhanh hơn AST, tỷ số AST/ALT giảm xuống <1,0.

Tóm lại, tỷ số AST/ALT có thể được tính rất dễ dàng từ AST và ALT, là các enzyme thường được sử dụng hàng ngày trong lâm sàng. Mặc dù tỷ số này được phát hiện đã từ lâu nhưng theo thời gian, nó vẫn được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu và vẫn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp người thầy thuốc phân biệt các nguyên nhân của tổn thương gan, phân biệt tổn thương gan với tổn thương của cơ hoặc tim, và giúp tiên lượng các bệnh này.

Các kênh thông tin nhà SVYKUTE:

Nguồn: medlatec.vn

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của SvyKute

Nếu thích bài viết này? Vui lòng chia sẻ nó lên các mạng xã hội của bạn.