HỌC ĐIỆN TIM NHƯ THẾ NÀO CHO HIỆU QUẢ

Điện tim chắc chắn là một môn học mà bạn nhất định sẽ gặp phải trong đời nếu bạn quyết tâm dấn thân vào ngành Y. Tuy nhiên môn học này lại không hề dễ ăn tí nào và chắc chắn sẽ khiến bạn đôi khi sẽ hơi bị “trầm cảm” nhẹ với nó. Có phải không ít lần bạn quyết tâm học điện tim một cách nghiêm túc nhưng khi mở sách ra bạn lại quyết định đi ngủ vì không thể nào hiểu được những gì ghi trong sách hay không? 

Học điện tim thế nào sao cho hiệu quả

Có phải bạn quá chán nản khi học điện tim mà nhiều khi học mãi mà vẫn không khá lên được?. Và chắc chắn rằng bạn cũng đã đi tìm cho mình những phương pháp học khác nhau nhưng vẫn chưa tìm được cách phù hợp. Là một sinh viên học Y và có niềm đam mê mãnh liệt với điện tim nên mình đã học mọi thứ liên quan đến nó điện tim, XQ tim tới siêu âm,…

Có những lúc mình thật sự rất nản vì những thuật ngữ khó hiểu hay học mãi mà vẫn không khá lên được. Nhưng mà mình đã tìm ra được một phương pháp học tối ưu và nó thật sự vô cùng hiệu quả. Nếu bạn đang tìm cho mình một phương pháp học điện tim hiệu quả thì đây sẽ cho bạn những gì bạn đang tìm kiếm!

Một số mô hình điện tim
Một số mô hình điện tim

Đối với giáo trình 

Trong quá trình tìm kiếm cho mình những phương pháp học hiệu quả thì có hai quyển giáo trình thật sự rất hay mà bạn nhất định phải đọc: 

  • Hướng dẫn đọc điện tim của GS. TS Trần Đỗ Trinh- NXB Y học
  • Bài tập điện tâm đồ dùng cho sinh viên y khoa và bác sỹ đa khoa- Tác giả M. Englert- R.Bernard-Người dịch ThS. Trương Thanh Hương, Ths Phạm Thái Sơn, BS Vũ Quỳnh Nga- NXB Y học
Hướng dẫn đọc điện tim của GS. TS Trần Đỗ Trinh
Hướng dẫn đọc điện tim của GS. TS Trần Đỗ Trinh
Bài tập điện tâm đồ dùng cho sinh viên y khoa và bác sỹ đa khoa
Bài tập điện tâm đồ dùng cho sinh viên y khoa và bác sỹ đa khoa

Xem thêm:

Vẫn còn một quyển nữa là quyển hướng dẫn đọc điện tim của khoa C9 – BV 103 – giáo trình giảng dạy sau đại học. Quyển này rất hay nhưng hiện tại khó tìm và không có bán nhiều trên thị trường nên mình không liệt kê ở trên. Quyển này mình có được thông qua một người bạn học Y của mình. Sách được in vào năm 1989 nên khá cũ và hiện tại thì mình không có tìm thấy nó trên thư viện hoặc ở tiệm photo nào cả. 

 Những cuốn sách đó là những cuốn sách mà mình tâm đắc nhất sau khi đã tìm hiểu và đọc nhiều quyển sách liên quan đến điện tim khác nhau. Không phải những quyển sách khác không hay mà là các quyển sách này mình cảm thấy nó tổng hợp và giải thích khá dễ hiểu và chi tiết đối với mình. 

Điện tâm đồ (ECG)
Điện tâm đồ (ECG)

Đầu tiên thì bạn chỉ cần đọc những tài liệu như trên kia thôi, sau khi đã đọc đủ kỹ và hiểu một cách tổng quát nhất các nội dung trong sách cũng như thành thạo về ECG thì bạn có thể chuyển sang tìm hiểu thêm các đầu sách hay các tài liệu từ nước ngoài.

Tuy nhiên không phải cứ tìm tài liệu, cứ đọc là sẽ hiểu mà bạn cần tập trung và đủ kiên trì với nó. Bạn cũng cần biết sắp xếp thời gian một cách hợp lý để kết hợp cả lý thuyết và tiếp xúc thực tiễn. 

Điện tâm đồ Block nhánh và phân nhánh
Điện tâm đồ Block nhánh và phân nhánh

Nếu bạn không theo chuyên về khoa tim thì cũng không cần phải đầu tư quá nhiều thời gian cho các kiến thức về ECG này và bạn chỉ cần hiểu tổng quan và cơ bản vì các kiến thức chuyên sâu về ECG này thì chỉ dành cho các đối tượng chuyên khoa.

Còn nếu bạn không học chuyên khoa nhưng thật sự yêu thích nó thì có thể tranh thủ những thời gian rảnh để tìm hiểu thêm và đừng để nó ảnh hưởng đến các môn khác, làm bạn không đủ thời gian để học tập các môn khác cũng như bổ sung các kiến thức khác cho mình.

Cách học Điện tâm đồ (ECG)

Đây là một số tips cũng như những điều mà mình tổng hợp được trong quá trình học ECG của mình. Trước khi đề cập đến việc tìm hiểu sâu về cách học ECG thì bạn cần phải hiểu rõ cũng như xác định rõ ràng rằng: bạn cần phải học lý thuyết cơ bản và phải nắm rõ được các tiêu chuẩn ECG của từng nội dung  trước đã, nếu chưa biết gì hết thì cần phải đọc lại mục ở trên để biết được các cuốn giáo trình nên đọc để có kiến thức cơ bản trước khi đọc tiếp phần dưới này nhé!

Rung nhĩ AF - điện tâm đồ
Rung nhĩ AF – điện tâm đồ

Ví dụ: Người ta bảo đặc điểm của rung nhĩ trên ECG là: Mất sóng P thay bằng sóng f, quan sát sóng f rõ trên V1, V2. Phức bộ QRS không đều về biên độ (tức là các R cao thấp khác nhau) và tần số ( các khoảng RR dài ngắn khác nhau) thì bạn phải chấp nhận rằng 2 tiêu chuẩn của rung nhĩ đề bài đã nêu trên đã đừng có đặt ra câu hỏi là tại sao thế. 

Phức bộ QRS bình thường
Phức bộ QRS bình thường

Bởi lẽ điện tim là một môn học giống như hình thái tức là phải nhận dạng được các sóng, nhận dạng được các tiêu chuẩn trên hình vẽ (bản điện tim). Vì vậy bạn phải biết là sóng f nó như thế nào trên bản điện tim, phải biết QSR nó không điều độ về biên độ và tần số thì thể hiện trên QRS thì nó sẽ như thế nào. Những cái đó là vô cùng quan trọng nên bạn phải có kiến thức nền mới có thể hiểu được. 

Sau khi bạn đã thành thạo và hiểu rõ một cách nhất định thì chỉ cần nhìn qua bản điện tim là có thể biết được rung nhĩ rồi. Đến lúc đó bạn sẽ đi sâu tìm hiểu thêm cơ chế của nó như thế nào rồi sau đó là các trường hợp đặc biệt hiếm gặp như là cuồng nhĩ, rung nhĩ, rung nhĩ trong các trường hợp Bloc nhĩ thất,…

  Xác định các tiêu chuẩn điện tim 

Sau khi đã có kiến thức cơ bản thì trước hết bạn cần phải đọc qua một số vấn đề đại cương về ECG như cách mắc các chuyển đạo, các sóng điện tim, và giá trị bình thường của nó. Tới giai đoạn này bạn đã có thể nhớ được các thông số cơ bản của ECG tuy nhiên các giá trị của bt thì sẽ hơi khó nhớ nhưng đừng quá lo lắng nếu bạn tiếp xúc đủ lâu và đủ nhiều thì sẽ nhớ được thôi mà không cần phải học thuộc nó vì nếu có thuộc thì ít lâu sau lại quên mất.  

Sau khi đã học xong các vấn đề đó thì bạn cần vạch ra các nội dung mà mình sẽ học lần lượt để có thể tiếp thu hiệu quả nhất. Theo tôi bạn cần phải học được một số vấn đề chính trước bao gồm: 

  • Cách ước lượng trục điện tim
  • Cách tính tần số tim
  • Rung nhĩ, cuồng nhĩ
  • Ngoại tâm thu nhĩ, Ngoại tâm thu thất
  • Nhịp nhanh kịch phát trên thất, nhịp nhanh kịch phát thất, rung thất
  • Các loại block
  • Dày nhĩ, dày thất
  • Nhồi máu cơ tim
  • Nhiễm độc digitalis
  • Tăng Kali, giảm kali
  • HC W-P-W, HC L-G-L

Với mỗi nội dung trên bạn cũng cần phải vạch ra các mục tiêu cần phải được đạt được một cách ngắn gọn nhất. Các mục tiêu này trong quyển sách hướng dẫn đọc điện tim có nói khá chi tiết tuy nhiên lại khá dài và có phần lan man.

Vì vậy bạn cần đọc và chắt lọc lại sao cho phù hợp. Nếu bạn có giáo trình điện tim của khoa C9 -viện 103 thì bạn không cần cần chắt lọc lại vì trong này đã đủ ngắn gọn và dễ nhớ rồi. 

Ví dụ: Rung nhĩ trên ECG thì sẽ có 2 tiêu chuẩn:

  • Mất P thay bằng f, thấy rõ sóng f trên V1, V2
  • QRS không đều về biên độ tức là R cao thấp khác nhau, không đều về tần số tức là khoảng RR dài ngắn khác nhau
rung thất trên điện tâm đồ
Rung thất trên điện tâm đồ

Xem thêm:

Tiến hành thực hành cho các tiêu chuẩn đó 

Lúc này việc bạn cần làm là sử dụng các quyển bài tập điện tim để được thực hành nhiều hơn. Bạn cần làm và học từng nội dung trong này đến khi thành thạo nó. Tôi khuyên bạn nên tìm và làm hết các bài tập trong quyển bài tập ECG, các bài tập có nội dung bạn được học trên lớp. 

Ví dụ trên lớp bạn đã được học về rung nhĩ thì hãy xem hết phần kết luận cuối bài và xem những bài tập nào có rung nhĩ thì hãy đánh dấu lại để luyện tập. Hay bạn được xem một bản điện tim sóng f và người ta bảo là xem trên V1, V2 thì bạn hãy xem nó trên 2 quỹ đạo này.

Sau đó hãy xem QRS không đều về biên độ và tần số là như thế nào. Cứ như vậy cho đến hết tất cả các bài tập đó trong chuyên đề rung nhĩ.

Sau khi cảm thấy có thể nhận dạng được rồi thì có thể không cần phải xem đáp án trước mà hãy tự làm bất kì một bài tập nào đó trong bản điện tim có liên quan đến rung nhĩ để xem có thể đọc được nó trong bản điện tim hay không. 

Sau đó hoàn chỉnh các bước thực hành ở trên 

Bước này là bước cuối cùng và cũng là bước để bạn có thể đọc và tổng hợp lại từng dạng bài tập một mà bạn đã từng làm. Lúc này bạn cũng đã có thể đọc hiểu được tất cả những gì bạn nhìn thấy trên bản điện tim.

Sau khi đọc các bản điện tim hãy đối chiếu với các kết luận cũng như những gì bạn đã được học để xem thử có thiếu nội dung nào thì phải xem lại nội dung đó và bổ sung kiến thức ngay. 

Một số dạng bài tập điện tâm đồ
Một số dạng bài tập điện tâm đồ

Ví dụ bạn có một bài tập đầy đủ cả rung nhĩ, dày nhĩ, block, thiếu máu cơ tim nhưng khi bạn đọc bản điện tim thử và so sánh với những gì bạn kết luận thì lại thấy mình thiếu kết luận thiếu máu cơ tim. Lúc này bạn cần xem lại kết luận thiếu máu và đối chiếu với cả bản điện tim đó để xem nó như thế nào.

Lặp lại như thế là bạn đã tự ôn lại được nội dung một lần nữa rồi. Cứ liên tục như thế cho 10 bài rồi 100 bài, hôm sau lại tiếp tục xem lại, làm lại để củng cố thì chẳng mấy chốc bạn có thể nắm rõ được những kiến thức đó thôi.

Tổng kết 

Thật ra điện tim không hề khó như bạn nghĩ. Nếu đủ kiên trì và có phương pháp học đúng đắn thì việc bạn chinh phục được các môn liên quan đến điện tim một cách dễ dàng. Học và bổ sung kiến thức là chuyện cả đời và cần phải có đủ thời gian để có kết quả. Trên đây là những tips cũng như các phương pháp hiệu quả mà mình đã đúc kết ra được trong quá trình học tập của bản thân cũng như những người bạn của mình. Nếu bạn thấy bài viết này thực sự bổ ích hãy follow website của chúng tôi để đọc thêm nhiều thông tin bổ ích khác nhé!

Các kênh thông tin nhà SVYKUTE:

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của SvyKute

Nếu thích bài viết này? Vui lòng chia sẻ nó lên các mạng xã hội của bạn.