TĂNG LƯƠNG CƠ SỞ KHÓ NGĂN BÁC SĨ, GIÁO VIÊN BỎ VIỆC

Tăng lương cơ sở đồng loạt không giúp nhiều nhóm cán bộ, công chức có hệ số lương thấp.

Lẽ thường, muốn chữa được bệnh thì cần phải khám và chẩn đúng bệnh, từ đó mới có thể đưa ra phác đồ điều trị hợp lý. Trong câu chuyện cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc hàng loạt (trong đó ngành giáo dục, y tế chiếm tỷ lệ nhiều nhất), nhiều người đang xem lương như là nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng chảy máu nhân lực. Tôi cho rằng, chúng ta cần nhìn rõ hơn về nguyên nhân chính xác của vấn đề này.

Trong gần 40.000 người trong khu vực công nghỉ việc đợt này, nhiều nhất là lĩnh vực giáo dục 16.400 người (đa số là giáo viên mầm non); tiếp sau là y tế 12.200 người, đa số người nghỉ việc có độ tuổi dưới 40. Trong đó, nhân lực hai ngành này lại thuộc nhóm khó tuyển, dù vô cùng cần thiết cho xã hội. Vậy nhóm cần “chữa bệnh” ở đây là nhân viên y tế, giáo dục và một bộ phận công chức có tuổi đời trẻ (dưới 40), hệ số lương thấp.

Việc tăng lương cơ sở đồng loạt không giúp nhiều cho nhóm cán bộ, công chức trên. Bởi họ có hệ số lương thấp, khi lương cơ sở tăng thì mức thực nhận cũng không có nhiều chuyển biến.

Muốn bắt đúng bệnh, chúng ta phải tăng lương cho nhóm cán bộ cơ sở, lương thấp. Đó mới là giải pháp cần thiết và phù hợp hơn trong ngắn hạn. Đồng thời, với những khó khăn về môi trường làm việc như đánh giá không đúng hiệu quả công việc; bổ nhiệm, khen thưởng, quy hoạch cán bộ chưa dựa trên năng lực công việc; khả năng được học hành, đào tạo thêm còn gắn với quy hoạch… việc áp dụng các giải pháp cải thiện môi trường làm việc từ khối doanh nghiệp là hợp lý nhất (như đánh giá bằng KPI, trên cơ sở đánh giá năng lực làm việc để khen thưởng, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm…).

Ngoài ra, chúng ta có thể áp dụng công nghệ, công khai minh bạch hiệu suất làm việc của từng cán bộ lên một website chung để nhân dân giám sát, việc này cũng khả thi về mặt kỹ thuật. Đối với đầu vào, không nên thi tuyển công chức, viên chức riêng lẻ như hiện nay, bởi khó quản lý chất lượng, lại không minh bạch. Chúng ta có thể học hỏi các quốc gia có nền hành chính phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, họ tổ chức thi tuyển chung toàn quốc, công khai, minh bạch, rất hiệu quả. Đồng thời, cũng cần giảm thiểu tình trạng “con ông cháu cha”, lợi dụng quen biết để tiến thân…

Tôi cho rằng, những điều trên mới là thứ cần thiết làm ngay lúc này để kiến tạo một nền công vụ chuyên nghiệp, làm nền tảng cho đất nước phát triển.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của SvyKute

Nếu thích bài viết này? Vui lòng chia sẻ nó lên các mạng xã hội của bạn.