Phó thủ tướng: Cần hàng chục năm giải quyết vấn đề y tế, giáo dục

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói y tế và giáo dục luôn trong tình trạng căng thẳng, nhưng vì hạn chế nguồn lực nên có thể mất hàng chục năm để giải quyết vướng mắc.

Chiều 28/10, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có 15 phút để làm rõ các vấn đề nóng trong lĩnh vực y tế và giáo dục mà đại biểu quan tâm, trong hai ngày thảo luận về kinh tế – xã hội tại Quốc hội. Ông Đam đã xin thêm 5 phút để giải trình và chia sẻ vì đây là hai lĩnh vực còn nhiều vướng mắc và bản thân cũng trăn trở.

Hơn một năm trước, trong lúc tình hình rất căng thẳng, Chính phủ đã có Nghị quyết 128 để chuyển sang tâm thế mới, thích ứng linh hoạt. Đến nay, thế giới chưa công bố hết dịch Covid-19 và Việt Nam cũng vậy. Nhưng đất nước có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt, đặc biệt là vaccine, nên tâm thế tự tin để thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn, lấy lại những gì đã mất hai năm qua.

“Tối muộn hôm qua, có bác sĩ nói với tôi là đã theo dõi nội dung họp Quốc hội và rất mừng vì những khó khăn của ngành y được nhiều đại biểu chia sẻ. Dù vấn đề có thể chưa được giải quyết ngay, sự thấu hiểu của đại biểu là nguồn động viên rất lớn”, Phó thủ tướng nói.

Theo ông, hai lĩnh vực giáo dục và y tế thời gian qua đều đã phát triển và có hiệu quả sử dụng nguồn lực cao. Giáo dục phổ thông Việt Nam đứng top 50 quốc gia hàng đầu, đại học phấn đấu ở top 70, giáo dục nghề nghiệp có tiến bộ. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá hệ thống y tế Việt Nam có tiến bộ hơn các nước có cùng thu nhập.

Tuy nhiên, kỳ vọng vào giáo dục và y tế ở tất cả các nước luôn rất căng thẳng. Có vị bộ trưởng nước bạn mới đây dự Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN kể rằng, khi làm Bộ trưởng Công Thương (dù rất xuất sắc) vẫn có hàng nghìn người muốn ông bị thay thế. Đến khi ông làm Bộ trưởng Giáo dục thì con số này đã lên vài triệu.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giải trình trước Quốc hội, chiều 28/10
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giải trình trước Quốc hội, chiều 28/10

Việt Nam là dân tộc hiếu học nên người dân đặt nhiều kỳ vọng và đòi hỏi cao hơn về y tế và giáo dục. Nhưng nguồn ngân sách của Việt Nam hàng năm phải dành 30% để chi đầu tư hạ tầng nên phần chi cho giáo dục, y tế không bằng các nước. Việt Nam cũng có số lượng biên chế nhận lương từ ngân sách rất lớn, khoảng 2 triệu người, trong đó giáo dục 1,1 triệu, y tế 250.000.

Đọc thêm:

Việt Nam không có năng lực để trả lương cao như các nước. Vì vậy, y tế và giáo dục luôn trong tình trạng căng thẳng. “Chúng ta dù có hứa, có nói gì thì vấn đề căng thẳng này cũng không thể được giải quyết trong một hai năm mà phải tính bằng hàng chục năm, và đây là điều rất bình thường trên thế giới”, Phó thủ tướng nói.

Các nước tiên tiến chỉ có khoảng 20 học sinh một lớp. Việt Nam đang phấn đấu 35 học sinh một lớp nhưng vẫn thiếu giáo viên. Ngành y tế cũng trong tình trạng tương tự, khi ở các nước phát triển mỗi bác sĩ có 3-4 điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân, thậm chí tại Nhật mỗi bác sĩ có 9 điều dưỡng, nhưng ở Việt Nam tỷ lệ trung bình là 1,5. Nếu đảm bảo tỷ lệ cao như các nước thì Việt Nam cần tăng gấp đôi biên chế ngành y, trong khi chủ trương chung là giảm.

Về học phí, viện phí, với nguồn kinh phí không nhiều nhưng Việt Nam vẫn đảm bảo chất lượng tốt hơn so với các nước có cùng mức chi. Tuy nhiên, không thể đòi hỏi chất lượng dịch vụ tốt nhất thế giới trong khi thu nhập của người dân và chi ngân sách cho dịch vụ đó thấp nhất. “Chúng ta khéo nằm thì no, khéo co thì ấm vì chỉ có từng đấy tiền thôi. Chúng ta buộc phải tăng mệnh giá bảo hiểm y tế, nhưng cũng mới bằng 1/10, 1/30 các nước phát triển, trong khi thuốc, máy móc thì phải như các nước phát triển”, ông Đam trăn trở.

Lĩnh vực giáo dục cũng tương tự. Hiện nay các trường phổ thông được hưởng 60% từ học phí để chi chuyên môn. Vừa qua, Chính phủ đưa ra chủ trương không tăng học phí, tức phần tăng mà người dân lẽ ra phải đóng góp thì ngân sách sẽ bù vào để các trường vận hành. Chính phủ đang làm những bước cuối cùng để ban hành nghị quyết theo hướng này.

Về tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập, ông Đam đánh giá đây là vấn đề rất khó khăn từ nhiều năm nay. Cả nước còn 48.000 đơn vị sự nghiệp công lập. Câu chuyện đặt ra là làm sao có cơ chế quản trị các đơn vị này, trong đó chủ yếu là trường học và bệnh viện.

Trên thế giới, quản trị bệnh viện và trường học xuất phát từ yêu cầu chuyên môn, được phát huy tính tự chủ, sáng tạo của cơ sở, nên họ được quyền tự chủ về bộ máy, nhân sự, đầu tư, lương, các khoản chi. Nhưng vì Việt Nam thiếu tiền, nên thiết kế theo hướng lấy tài chính làm tiêu chí đầu tiên. Nếu đơn vị nào lo được hết cả chi đầu tư và chi thường xuyên thì mới cho tự chủ hoàn toàn, còn không thì tự chủ một phần; ngoài ra là các đơn vị không tự chủ được.

Trong khi đại học ở Đức tự chủ nhưng ngân sách nhà nước vẫn lo 85%, thì ở Việt Nam, nếu nhà nước còn lo thì không có tự chủ. “Chúng tôi rất mong thay đổi”, ông Đam nói và cho biết sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu, rà soát hệ thống pháp luật để có đổi mới căn bản hơn.

Phó thủ tướng cho rằng, trong lúc khó khăn Việt Nam đã nhìn rõ được những bất cập có từ lâu, từ đó tìm cách giải quyết. “Như tôi đã nói, dù có nỗ lực thì cũng cần một thời gian dài mới khắc phục được triệt để”, ông nói.

Sau hai ngày thảo luận về kinh tế – xã hội, có 85 đại biểu phát biểu, 8 người tranh luận, còn 40 đại biểu đã đăng ký nhưng không còn thời gian. Ngoài Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, 10 Bộ trưởng, trưởng ngành đã tham gia giải trình các vấn đề mà đại biểu đặt ra.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của SvyKute

Nếu thích bài viết này? Vui lòng chia sẻ nó lên các mạng xã hội của bạn.