NGUY KỊCH DO KIÊNG ĐẾN VIỆN ĐẦU NĂM

HÀ NỘI: Bà Phong 60 tuổi, bị nôn, chóng mặt, mệt mỏi, đi lại khó khăn từ 25 tháng Chạp nhưng không đi khám vì sợ “mất” Tết.

Đến mùng 5 Tết (26/1), bà hoa mắt chóng mặt, ngất xỉu, vào Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn xét nghiệm cho thấy chỉ số đường huyết cao, kèm thiếu máu và sắt trầm trọng. Các bác sĩ chẩn đoán bà bị thiếu máu nặng, đái tháo đường type 2. Nếu nhập viện muộn hơn, bà có thể hôn mê, nguy hiểm tính mạng.

Nằm cùng khoa với bà Phong, bà Hanh, 65 tuổi, bị ho và khó thở từ 23 tháng Chạp. Do tâm lý ngại đến viện ngày Tết, bà ra hiệu thuốc mua kháng sinh về uống nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm. Ngày mùng 5, bà khó thở, tím tái môi và các chi, được gia đình chuyển vào khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, được chẩn đoán viêm phổi nặng.

Tương tự, bác sĩ Trần Tiến Tùng, chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, cũng tiếp nhận một trường hợp đến khám muộn do e ngại kiêng kỵ “xông đất” bệnh viện. Người đàn ông vốn nghiện rượu, bị xơ gan, liên tục uống trong dịp Tết.

“Nhập viện hôm mùng 6 Tết, bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa nặng, hôn mê sâu, sức khỏe rất xấu. Giá mà anh được đưa vào bệnh viện sớm hơn thì tình trạng đã không trầm trọng đến vậy”, bác sĩ Tùng nói.

Theo quan niệm dân gian, dịp đầu năm, mọi người thường tránh khám, chữa bệnh. Thậm chí, ngay cả việc đến nhà thuốc cũng trở thành điều kiêng kỵ. Ngoài ra, nhiều người có tâm lý sợ đón Tết trong viện, nên cũng chần chừ thăm khám dù triệu chứng bệnh nặng. Bác sĩ Tùng nhận định việc người bệnh và gia đình không đánh giá đúng tình trạng bệnh và cố chờ hết Tết mới đi khám là rất nguy hiểm. Lý do việc không được thăm khám kịp thời khiến bệnh trở nên trầm trọng, nguy cơ biến chứng cao, gây khó khăn cho quá trình điều trị, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Ảnh: Freepik
Bệnh nhân tuyệt đối không trì hoãn việc thăm khám. Ảnh: Freepik

Bên cạnh đó, dịp Tết, nhiều người bệnh mạn tính “mải vui” quên uống thuốc trong khi lối sinh hoạt, ăn ngủ nghỉ thay đổi. Điều này tác động đến việc kiểm soát huyết áp, làm tăng nguy cơ đái tháo đường, tim mạch, đột quỵ…, nhất là ở thời điểm rét đậm, rét hại như hiện nay. Từ ngày 20 đến 26/1, các bệnh viện Hà Nội ghi nhận 64 trường hợp tử vong do tuổi cao, bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch.

Còn tại Trung tâm A9, Bệnh viện Bạch Mai, từ mùng 2 Tết đến nay, trung bình mỗi ngày đơn vị tiếp nhận 300-350 ca cấp cứu, tăng gấp hai lần so với bình thường, chủ yếu là bệnh tim mạch, cao huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường…, trong đó có nhiều ca nặng được chuyển từ tuyến dưới lên.

“Điều đáng nói, nhiều người đã có dấu hiệu bệnh nặng nhưng gia đình cố chờ hết Tết mới vào viện, khiến việc điều trị gặp khó khăn”, đại diện bệnh viện nói.

Theo các bác sĩ, thời tiết đông – xuân hiện nay là thời điểm lưu hành nhiều bệnh đường hô hấp, đường tiêu hóa do virus. Thêm vào đó, việc ăn uống không điều độ, uống nhiều bia rượu, đi du xuân trong thời tiết giá lạnh cũng khiến cơ thể dễ bị các chứng bệnh cấp tính như viêm dạ dày, ngộ độc rượu, ngộ độc thức ăn, cảm lạnh. Người mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ máu…, nếu không kiểm soát tốt chế độ ăn uống, sinh hoạt cũng có nguy cơ khiến bệnh trở nặng.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân tuyệt đối không “nấn ná” khi cơ thể có dấu hiệu bất thường, cần đến viện khám sớm để điều trị hiệu quả.

Nguồn: vnexpress.net

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của SvyKute

Nếu thích bài viết này? Vui lòng chia sẻ nó lên các mạng xã hội của bạn.