BỆNH VIỆN THƯỞNG TẾT NHƯ THẾ NÀO?

Vực dậy sau đại dịch Covid, nhiều bệnh viện chênh lệch thu chi, lương thưởng Tết của nhân viên y tế 30-40 triệu đồng, song cũng có nơi chỉ vài triệu đồng.

Viện Tim TP HCM là một trong những cơ sở y tế thông báo kế hoạch lương thưởng cuối năm cho nhân viên y tế sớm. Giám đốc Bùi Minh Trạng cho biết tiền thưởng Tết dương lịch là 10 triệu đồng/người, còn Tết âm lịch dự kiến một tháng lương cùng 35 triệu đồng mỗi người.

Theo ông Trạng, bệnh viện vẫn duy trì mức thu nhập bình quân đạt 23 triệu đồng/người/tháng (chưa tính tiền thưởng Tết) trong suốt các năm 2020, 2021 và 2022. Năm 2021, nguồn thu giảm sút nhưng nhân viên vẫn được nhận các khoản thu nhập ngoài lương, thưởng lễ Tết như những năm trước dịch.

Năm 2022, công tác khám chữa bệnh từng bước hồi phục và đã trở lại hoạt động bình thường. Đến tháng 11, bệnh viện ghi nhận khám chữa bệnh ngoại trú đạt 222.746 lượt, tăng 69% so với cùng kỳ năm 2021. Điều trị nội trú cũng tăng 65%, thông tim can thiệp tăng 84%, phẫu thuật tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Nhờ vậy hoạt động tài chính của Viện ổn định để có thể duy trì thu nhập người lao động, giúp đảm bảo đời sống nhân viên ở một đơn vị tự chủ tài chính hoàn toàn từ hơn 30 năm qua”, ông Trạng nói.

Từ tháng 6 đến nay, Bệnh viện Quận 11, TP HCM, cũng phục hồi khám chữa bệnh gần như trước khi dịch Covid-19 xảy ra, đã có chênh lệch thu chi để làm nguồn thưởng Tết. Giám đốc Phạm Quốc Dũng cho biết “thưởng Tết năm nay đỡ hơn năm ngoái”. Theo đó, bệnh viện sẽ thưởng 600.000 đồng một người một tháng, tức ai làm đủ 12 tháng trong năm thì được thưởng 7,2 triệu đồng. Ngoài ra, Tết dương lịch mỗi người được thưởng một triệu đồng.

“Mức này cao hơn so với năm ngoái, với thưởng Tết dương lịch 300.000 đồng, Tết âm lịch 2,4 triệu đồng, cộng với hỗ trợ theo đề nghị của thành phố là 1,5 đồng mỗi người”, ông Dũng cho biết.

Tại Hà Nội, các bệnh viện Da liễu Trung ương, Lão Khoa Trung ương duy trì lương thưởng đầy đủ như mọi năm, đảm bảo cho nhân viên y tế có khoản thu nhập để lo Tết. Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương Nguyễn Trung Anh cho biết lương cứng của nhân viên y tế tại đây từ trước, trong và sau dịch luôn đầy đủ. Khi dịch bùng mạnh nhất, không có bệnh nhân, bệnh viện vẫn rất cố gắng đảm bảo chi 100% lương theo thang ngạch, bậc của nhà nước. Hiện, bệnh viện chờ báo cáo tài chính và chi thưởng theo khả năng thực tế.Nhân viên y tế làm việc tại Bệnh Nhiệt đới TP HCM, tháng 6/2022. Ảnh: Quỳnh Trần© Được VnExpress cung cấp

Nhân viên y tế làm việc tại Bệnh Nhiệt đới TP HCM, tháng 6/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Trong khi nhiều nơi đã chốt lương thưởng cuối năm, thì nhiều bệnh viện vẫn lâm vào tình cảnh khó khăn, phải xoay xở để có tiền Tết cho nhân viên y tế. TS. BS Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết nơi này vẫn chưa cân đối được tài chính, chưa có chênh lệch thu chi nên năm nay cũng không có tiền thưởng Tết cho nhân viên. Tương tự năm trước, năm nay bệnh viện xoay xở bằng cách dùng quỹ phúc lợi bệnh viện để hỗ trợ mỗi người khoảng 8 triệu đồng, gọi là phần hỗ trợ thu nhập tăng thêm.

Những tháng cuối năm, tình trạng khám chữa bệnh phục hồi tương đương trước dịch Covid, song do bệnh viện vận hành thêm cơ sở hai khang trang, hiện đại với chi phí rất lớn về điện, nước, cây xanh… nên phần thu vẫn không đủ bù chi. “Bệnh viện cố gắng xoay xở để động viên tinh thần anh em sau một năm làm việc vất vả”, bác sĩ Tuấn nói.

Còn Bệnh viện Hùng Vương, TP HCM, đang cân đối nguồn tiền thưởng Tết cho nhân viên, song lãnh đạo viện cho biết “sẽ không nhiều vì năm nay số lượng sinh con giảm rất nhiều so với những năm trước đó”. Thông thường trong 12 con giáp, năm Dần là năm có số sinh giảm nhiều nhất. Sự kết hợp cộng hưởng giữa hai câu chuyện “năm con cọp” và sau Covid-19, kinh tế bị ảnh hưởng nên người dân ngại sinh.

Từng chuyển đổi công năng sang hoàn toàn điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Trưng Vương, TP HCM, đối mặt với nhiều khó khăn khi nhiều máy móc hư hỏng, đến khi tái hoạt động bình thường thì không tiền sửa chữa. Trong khi đó, đề án xây dựng mới bệnh viện nhiều năm nay vẫn chưa xong. Môi trường làm việc, thiếu cơ sở vật chất, thu nhập không đảm bảo góp phần khiến nhiều nhân viên y tế nghỉ việc. 10 tháng đầu năm, nơi này ghi nhận 138 nhân viên nghỉ việc (trên tổng số khoảng 900 nhân viên toàn viện), trong đó có 53 điều dưỡng, gánh nặng công việc dồn hết cho những người còn lại.

Bác sĩ Huỳnh Ngọc Hớn, Phó giám đốc phụ trách, cho biết tuần này, bệnh viện vừa chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 của thành phố cho cả năm. Tích lũy năm nay của bệnh viện không còn nhiều. Do đó tiền thưởng Tết sẽ chi theo đề nghị chung của UBND thành phố. Tuy nhiên hiện UBND chưa có đề xuất cụ thể, mức năm ngoái là 1,5 triệu đồng mỗi người.

Nhiều bệnh viện khác cũng chưa chốt được lương thưởng cho nhân viên y tế. Như giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) Đào Xuân Cơ chia sẻ “đây là bài toán khó nhất mà tôi phải giải”.

Phụ cấp chưa được tính đúng, đủ, thu nhập thấp là một trong những lý do căn bản dẫn đến làn sóng nhân viên y tế công bỏ việc trong thời gian qua. Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cũng nhìn nhận vấn đề này và đề nghị chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56, tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%. Thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế.

Góp ý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) hôm 24/10, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất quy định bảng lương theo bậc, ngạch riêng cho nhân viên y tế vì họ phải đào tạo trong thời gian dài, tiêu chuẩn cao.

Lê Nga – Lê Phương

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của SvyKute

Nếu thích bài viết này? Vui lòng chia sẻ nó lên các mạng xã hội của bạn.

Leave a Feedback!