BÉ TRAI 6 TUỔI NGUY KỊCH VÌ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

QUẢNG NINH: Bệnh nhi sụt cân, mệt mỏi, khát nước, tiểu nhiều, thèm ngọt, nhập viện trong tình trạng lơ mơ, thở nhanh, được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường.

Ngày 16/12, bác sĩ Trần Văn San, Phó trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết test đường máu nhanh cho thấy chỉ số đường huyết của trẻ là 28,8 mmol/L (ngưỡng bình thường là dưới 7,8 mmol/L).

Kết quả xét nghiệm chẩn đoán trẻ mắc bệnh lý toan ceton do đái tháo đường, viêm amidan cấp.

Theo bác sĩ San, toan ceton do đái tháo đường (DKA) là một biến chứng cấp tính không thường gặp ở trẻ nhỏ nhưng rất nguy hiểm, có thể gây tử vong. Để điều trị, trẻ phải nhịn ăn, bù dịch và kiểm soát đường huyết bằng duy trì insulin, kháng sinh, cân bằng điện giải.

Sau hai ngày hồi sức tích cực, bệnh nhân qua nguy kịch, song vẫn cần theo dõi thêm, phòng ngừa biến chứng nặng nề khác.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi tại Bệnh viện Bãi Cháy. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi tại Bệnh viện Bãi Cháy. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Đái tháo đường ở trẻ em là một bệnh mạn tính do rối loạn quá trình sử dụng và tích trữ đường khiến nồng độ đường trong máu (glucose) vào buổi sáng chưa ăn, cao hơn mức bình thường.

Nhiễm toan ceton do đái tháo đường là biến chứng nghiêm trọng, xuất hiện khi cơ thể người bệnh không sản xuất đủ insulin, gây ra những rối loạn nặng trong chuyển hoá protid, lipid và carbohydrate.

Bệnh không lây cho người xung quanh nhưng có tính di truyền trong gia đình, thường gặp ở nhóm 5-7 tuổi và nhóm tuổi dậy thì.

Dấu hiệu đặc trưng là ăn nhiều, khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều. Trẻ thường sụt cân, mệt mỏi, suy kiệt, nôn ói, đau bụng, mất nước, rối loạn tri giác (lơ mơ, hôn mê) hoặc suy giảm sức đề kháng như bị nhọt da, viêm ngứa bộ phận sinh dục, viêm quanh nướu răng hay biểu hiện thần kinh như tê rần như kiến bò ở chân, giảm thị lực, hoa mắt.

Trẻ nhỏ khi bị nhiễm toan ceton do đái tháo đường có thể biến chứng nguy hiểm như hôn mê, phù não, sốc giảm thể tích do mất nước, thậm chí tử vong, cần phải được điều trị tích cực, kịp thời bằng truyền dịch, insulin và điều chỉnh các rối loạn điện giải cùng các yếu tố nguy cơ.

Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh thấy trẻ có triệu chứng bất thường trên cần đưa ngay đến bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bố mẹ nên điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, bổ sung năng lượng hợp lý cho trẻ, hạn chế đồ ngọt, thức ăn nhanh, tránh tình trạng thừa cân, béo phì…

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của SvyKute

Nếu thích bài viết này? Vui lòng chia sẻ nó lên các mạng xã hội của bạn.