BÉ TRAI 4 TUỔI CHỈ CÓ MỘT QUẢ THẬN DO MẮC BỆNH HIẾM

HÀ NỘI: Bé trai 4 tuổi, nặng 10 kg, nhập viện do bụng căng cứng, chướng, đi vệ sinh ít, siêu âm chỉ thấy một quả thận, quả còn lại teo nhỏ.

Ngày 23/12, bố bệnh nhân cho biết trẻ sinh ra đã bị chướng bụng, song chưa từng đi kiểm tra, thăm khám do hoàn cảnh khó khăn.

Đầu tháng 11, bác sĩ tình nguyện về địa phương khám sức khỏe, thấy bụng bé chướng căng bất thường, khuyên xuống bệnh viện Sản nhi tỉnh kiểm tra. Kết quả siêu âm cho thấy trẻ chỉ còn một bên thận, có biểu hiện suy thận, ứ nước, nghi u thận. Do tiên lượng bệnh nhân nặng, các bác sĩ đã dẫn lưu thận cấp cứu rồi chuyển trẻ xuống Bệnh viện E (Hà Nội) phẫu thuật.

Tiếp nhận bệnh nhân, TS.BS Nguyễn Đình Liên, Trưởng Khoa Phẫu thuật thận Tiết niệu và Nam học, cho biết trẻ mắc bệnh lý thận bẩm sinh, khó và hiếm gặp. Bệnh nhân bị đa dị tật hệ tiết niệu, một quả thận bị teo nhỏ bẩm sinh, không còn chức năng.

“Nếu không phát hiện và phẫu thuật, quả thận còn lại có nguy cơ hỏng hoàn, phải chạy thận suốt đời, thậm chí tử vong”, bác sĩ nói và thêm rằng trường hợp này phải nội soi gây mê tạo hình niệu quản mới giữ được thận. Khó khăn khác, trẻ nhỏ, sức khỏe yếu, 4 tuổi nặng 10 kg, cơ thể suy kiệt.

May mắn, ca phẫu thuật thành công, bệnh nhân đi vệ sinh bình thường, tình trạng suy thận giảm nhẹ. Tuy nhiên, bé trai khó hồi phục như người thường.

Sau mổ, bác sĩ tư vấn gia đình chế độ ăn, dinh dưỡng phù hợp để kéo dài tuổi thọ của quả thận còn lại.

Hình ảnh thận phải bệnh nhân chướng to, chiếm nửa ổ bụng trẻ. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Hình ảnh thận phải bệnh nhân chướng to, chiếm nửa ổ bụng trẻ. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Niệu đạo là một phần quan trọng của đường tiết niệu, đảm nhận nhiệm vụ chính là đưa nước tiểu ra ngoài cơ thể. Riêng với nam giới, niệu đạo có vai trò quan trọng trong việc xuất tinh từ đường sinh dục.

Bệnh hẹp niệu đạo thường gặp ở nam hơn nữ, do niệu đạo nam dài hơn nên dễ bị tổn thương và nhiễm bệnh hơn. Bệnh hiếm khi gặp ở trẻ mới sinh.

Với người lớn, hẹp niệu đạo có thể xảy ra sau phẫu thuật tuyến tiền liệt, lấy sỏi, đặt ống thông hoặc làm thủ thuật trong đường tiểu. Ở trẻ em, bệnh thường gặp sau phẫu thuật tạo hình các dị tật bẩm sinh, nội soi bàng quang hoặc sau đặt thông tiểu lâu ngày, có trường hợp không xác định được nguyên nhân.

Dấu hiệu nhận biết bệnh là cảm giác tiểu khó, dòng chảy chậm, lượng nước tiểu giảm, có máu trong nước tiểu, đau bụng dưới, tiết dịch niệu đạo, nhiễm trùng đường tiết niệu. Bệnh nhân không thể đi vệ sinh như bình thường.

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ cần khám lâm sàng, chụp hình niệu đạo bằng X-quang hoặc siêu âm, soi niệu đạo. Phương pháp điều trị rất đa dạng, phụ thuộc vào tình trạng bệnh.

Nguồn: vnexpress.net

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của SvyKute

Nếu thích bài viết này? Vui lòng chia sẻ nó lên các mạng xã hội của bạn.