17 bệnh viện được hỗ trợ kinh phí trả lương nhân viên

Sở Y tế TP HCM vừa phân bổ kinh phí từ ngân sách thành phố hỗ trợ 17 bệnh viện đang gặp khó khăn trong chi trả thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế.

Động thái này được Sở thực hiện theo Nghị quyết 03 do HĐND TP HCM ban hành năm 2018. Nghị quyết quy định về chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị – xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được thành phố quản lý.

Hồi tháng 10, Sở Y tế đề xuất thành phố cấp kinh phí cho các đơn vị theo Nghị quyết 03 khi có hệ số thu nhập tăng thêm của năm dưới 1,2, với điều kiện bình quân hệ số thu nhập tăng thêm của ba năm trước liền kề dưới 1,8. Ước tính số tiền ngân sách phải cấp bổ sung năm nay là 209 tỷ đồng. Sở cũng kiến nghị thành phố cho phép mở rộng đối tượng được hưởng thu nhập tăng thêm, bao gồm tất cả viên chức, người lao động. Ước tính, số tiền ngân sách phải cấp là 305 tỷ đồng.

Thời gian qua, nhiều bệnh viện TP HCM phản ánh không còn nguồn tích lũy để chi trả thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế. Chẳng hạn, Bệnh viện Ung bướu TP HCM không đủ tiền trả từ đầu năm đến nay. Thu nhập bình quân đầu người của bệnh viện khoảng 9 triệu đồng một tháng, là nhờ dùng tiền của năm trước tích lũy để chi ba năm gần đây nhằm duy trì bệnh viện, song nguồn quỹ này nay đã hết. Năm ngoái, bệnh viện không có nguồn tiền thưởng Tết, phải dùng các nguồn khác để chia đều mỗi người 7,5 triệu đồng tiền thưởng từ giám đốc cho đến hộ lý, điều dưỡng.

Bệnh viện Trưng Vương – bệnh viện đa khoa hạng một của thành phố cũng không có nguồn tích lũy để chi, nhiều nhân viên nghỉ việc. 10 tháng đầu năm, bệnh viện ghi nhận 138 nhân viên nghỉ việc trên tổng số khoảng 900 nhân viên. Trong số nghỉ việc có 53 điều dưỡng, gánh nặng công việc dồn hết cho những người còn lại. Lý do đa số mọi người đưa ra khi nghỉ là thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống.

Đại diện Sở Y tế TP HCM nhận định những khó khăn của các bệnh viện trong chi trả thu nhập tăng thêm là hệ quả của hoạt động tự chủ bệnh viện chưa bền vững. Một số bệnh viện không đứng vững được sau giai đoạn nỗ lực chống dịch Covid-19, số lượt khám chữa bệnh giảm sâu và nguồn thu giảm sút tương ứng.

Khám chữa bệnh tại bệnh viện ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Bệnh nhân chờ khám tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, tháng 10/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

20 năm qua các bệnh viện tại TP HCM chuyển đổi từ cơ chế ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động sang cơ chế tự chủ chi thường xuyên, giúp ngân sách thành phố chi cho lĩnh vực y tế giảm từ 7% (năm 2016) xuống còn 2% (năm 2020). Một số bệnh viện phát triển tốt cả về chuyên môn kỹ thuật lẫn chất lượng phục vụ người bệnh. Tuy nhiên, còn rất nhiều bệnh viện gặp khó khăn, xuất hiện khoảng cách giữa các bệnh viện công lập với nhau, và khoảng cách này ngày càng rõ nét.

Đặc biệt, khoảng cách về mức thu nhập tăng thêm giữa nhân viên y tế công lập tại các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế rất chênh lệch. Tổng thu nhập tăng thêm trung bình dao động từ 7 đến 39 triệu đồng/tháng. Trong đó, các bệnh viện đa khoa thường có mức thu nhập tăng thêm bình quân thấp hơn các bệnh viện chuyên khoa. Trước mắt, năm 2022 và 2023, ngành y tế rất hy vọng Nghị quyết 03 được duy trì, giúp ổn định thu nhập cho nhân viên y tế của các bệnh viện đang gặp khó khăn về chênh lệch thu chi. Về lâu dài, cần điều chỉnh giá viện phí theo hướng tính đúng tính đủ giúp ổn định chênh lệch thu chi cho các bệnh viện.

Theo Sở Y tế, thời gian qua, các bệnh viện đa khoa chịu tác động nhiều hơn các bệnh viện chuyên khoa. Bệnh viện đa khoa có tần suất nhân viên nghỉ việc cao gấp hai lần so với bệnh viện chuyên khoa, là hệ quả của sự chênh lệch về thu nhập tăng thêm giữa các bệnh viện. Thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình buộc nhân viên y tế nghỉ việc để chuyển đổi sang bệnh viện tư nhân hoặc chuyển nghề.

9 tháng qua, toàn thành phố ghi nhận hơn 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc, bằng con số của cả năm ngoái. Tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ ở các bệnh viện công lập giảm dần, cần 3-4 điều dưỡng/bác sĩ còn thống kê hiện nay 1,86 điều dưỡng/bác sĩ, việc chăm sóc người bệnh gặp khó. Nhiều bệnh viện không thể tuyển dụng điều dưỡng mới thay thế số điều dưỡng đã nghỉ việc.

Hồi tháng 10, làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM về cơ chế tự chủ tài chính và đấu thầu mua sắm thuốc, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng bày tỏ mong muốn có những giải pháp về cơ chế chính sách để rút ngắn khoảng cách giữa các bệnh viện, tạo sự công bình về phát triển, công bình về thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế công lập, giúp họ an tâm công tác và tiếp tục nỗ lực hết mình cứu chữa người bệnh.

Nguồn: vnexpress.net

Các kênh thông tin nhà SVYKUTE:

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của SvyKute

Nếu thích bài viết này? Vui lòng chia sẻ nó lên các mạng xã hội của bạn.